Cua huỳnh đế
Phân loại
Đặc điểm sinh học
Cua huỳnh đế to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, nhìn giống con bọ khổng lồ hay có con hình dáng như loài rùa, đầu cua hơi chúi xuống, có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn, đầu cua dài và có nhiều râu. Cua Huỳnh đế có những con ở vùng biển nước sâu nặng hơn 1 ký.
Cua có bộ áo giáp dày và cứng có màu vàng rực như hoàng bào hay chiến bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao. Thịt cua huỳnh đế thơm ngon, bổ dưỡng, thớ thịt cua săn chắc, trắng muốt nhô và độ đạm cao.
Phân bố
Cua phân bố nhiều ở vùng biển phía Đông Nam Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cua Huỳnh đế xuất hiện nhiều ở vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh như các vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Đây là một loài hải sản có giá trị kinh tế cao và được làm nguyên liệu chế biến thành những món đặc sản.
Tập tính
Cua Huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch ở Việt Nam. Thông thường những tháng mùa xuân, biển trở ngọn gió nồm, rất êm nên khuyến khích loại cua sinh sản và đi tìm thức ăn.
Sinh sản
Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản
* Mùa vụ sinh sản
Đặc điểm vùng biển miền Trung Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, điều kiện nhiệt độ và độ chiếu sáng giữa các mùa ít chênh lệch nên nhịp điệu sinh sản theo mùa không rõ nét, đặc biệt mùa sinh sản của động vật giáp xác thường kéo dài. Cua hoàng đế có thể sinh sản quanh năm, tuy nhiên, mùa vụ sinh sản chính của cua hoàng đế ở vùng biển Khánh Hòa tập trung vào tháng 2 đến tháng 6, và thời gian từ tháng 9 đến 10 là mùa phụ.
Tuy nhiên, tùy theo vùng phân bố mà mùa vụ sinh sản của cua hoàng đế có sự khác nhau. Ở vùng biển Hachijojim (Nhật Bản), tỷ lệ cua thành thục chiếm 10 - 90 % từ tháng 5 đến tháng 9, và số lượng cua mang trứng chiếm tỷ lệ cao nhất là tháng 7 (Minagawa et al., 1993). Tương tự ở vùng biển Moloka (Hawaii), tỷ lệ cua cái thành thục trung bình đạt 86 % từ tháng 5 đến tháng 9 và tại vùng biển Mindanao, Philippines tỷ lệ cua cái thành thục ở những tháng này chiếm trên 50 % (Baylon và Tito, 2012). Tuy nhiên, ở vùng biển Andaman (Thái Lan) chỉ có 1,1% -16,6 % cua cái mang trứng từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, thấp nhất từ tháng 11 đến tháng 2 (Krajangdara và Watanabe, 2005). Ở vùng biển Wales (Úc) có 30 – 80 % cua cái thành thục vào tháng 12 (Kennelly và Watkins, 1994), kết quả này cũng tương tự với báo cáo của Skinner và Hill (1986) ở cùng biển Queensland (Úc). Brown (1986) cho rằng ở phía Nam của Queensland, từ tháng 11 đến tháng 12 hầu hết những cua cái đều mang trứng; ở phía Đông Queensland, khoảng thời gian sinh sản của cua dao động quanh tháng 10 hằng năm (Chen và Kennelly, 1999). Nhìn chung, ở Úc, cua cái đẻ trứng vào các tháng ấm trong năm từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau (Kailola et al., 1993). Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Văn chung và Hà Lê Thị Lộc (2007) thông báo rằng cua ôm trứng có thể bắt gặp hầu hết các tháng trong năm, ngoại trừ tháng 11.
* Kích thước thành thục sinh dục lần đầu
Các cá thể trưởng thành và tham gia sinh sản khi đạt đến một độ tuổi và kích thước nhất định, khi cơ thể đã tích lũy đủ lượng vật chất cho sự phát triển của tuyến sinh dục sau giai đoạn tăng trưởng kích thước. Tại khu vực vùng biển Khánh Hòa, kích thước và khối lượng của cua hoàng đế bố mẹ thu được thể hiện qua Bảng 2.
Bảng 2: Kích thước và khối lượng của cua hoàng đế tham gia sinh sản
* Cấu tạo tuyến sinh dục
Tuyến sinh dục đực gồm một đôi tinh hoàn và một đôi ống dẫn tinh. Đôi tinh hoàn dài chứa dịch màu trắng nằm ở mặt lưng giáp đầu ngực, lượn khúc ngay trên khối gan tụy, vòng qua hai bên mang. Hai ống dẫn tinh nhỏ và dài đổ ra lỗ sinh dục nơi có gai giao cấu dưới gốc chân bò thứ năm
Tuyến sinh dục cái gồm hai noãn sào, hai ống dẫn trứng to và ngắn đổ thẳng ra lỗ sinh dục nằm dưới đôi chân bò thứ ba. Quá trình phát triển của buồng trứng ứng với sự biến đổi màu sắc từ vàng nhạt, vàng cam và sau cùng là màu cam đậm.
* Sức sinh sản
Trên 120 con cua cái thu thập tự nhiên ở vùng biển Khánh Hòa dùng cho khảo sát quá trình phát triển tuyến sinh dục, 29 con đang ôm trứng (buồng trứng giai đoạn 5) có chiều dài giáp đầu ngực và khối lượng thân trung bình tương ứng là 87,38 mm và 251 g được sử dụng cho đánh giá sức sinh sản thực tế dựa trên số trứng có trong buồng trứng. Sức sinh sản thực tế hay số lượng trứng trung bình trong một lần đẻ là 45.400 trứng/một cá thể cái, dao động từ 12.100 - 119.700 trứng tùy theo kích thước cua mẹ. Kích thước cua cái mang trứng nhỏ nhất là 67 mm CL với khối lượng là 120 g.
* Quá trình phát triển phôi cua huỳnh đế
Phôi nang: Sau khi đẻ từ 5-6 ngày, qua nhiều lần phân cắt, kích thước các phôi bào nhỏ dần, trứng đã phát triển ở giai đoạn phôi nang. Ở giai đoạn này, cấu trúc phôi chưa phát triển, khối tế bào không định hình. Hạt noãn hoàng dày đặc. Kích thước phôi nang là 0,62 ± 0,01 mm.
Phôi vị và xuất hiện điểm mắt: Trứng tròn, màu vàng cam, khoảng cách giữa vỏ trứng và phôi phát triển bên trong có thể quan sát được. Cuối giai đoạn này, trứng có màu vàng cam đậm. Hạt noãn hoàng không còn dày đặc. Sự phân cắt tạo thành mầm các phần phụ có thể quan sát được. Xuất hiện điểm mắt hình lưỡi liềm có màu đỏ tươi. Đường kính trứng trung bình 0,65 ± 0,01 mm.
Xuất hiện sắc tố và nhịp tim: Trứng có màu nâu hoặc xám, hình ovan, xuất hiện sắc tố ở phần thân, mắt và các phần phụ. Cuối giai đoạn này, trứng có màu nâu đậm hoặc màu đen. Điểm mắt đen tròn và to hơn. Xuất hiện nhịp tim và tăng dần số nhịp đập. Nhịp tim từ 60 -78 lần/phút. Kích thước trứng trung bình 0,67 ± 0,01mm.
Xuất hiện mầm gai lưng và gai đầu: Trứng có màu nâu đậm. Khoảng 3/4 khối noãn hoàng đã bị tiêu hao, lượng noãn hoàng còn lại được chia thành 3 thùy. Phôi đã phát triển tương đối lớn và chiếm phần lớn thể tích trứng. Mắt lớn hơn và phát triển hoàn thiện hơn. Tim đập mạnh và nhanh hơn với khoảng 100 – 110 nhịp/phút. Các phần phụ đã lớn hơn nhưng chưa phân đốt hoàn toàn. Xuất hiện gai lưng và gai đầu.
Phôi hoàn chỉnh: Các cấu trúc của phôi đã khá rõ ràng, lúc này có thể quan sát thấy hình dạng ấu trùng. Noãn hoàng vẫn còn lại một ít ở phần lưng kéo lên phần đầu ngực. Đôi mắt đã phát triển khá hoàn thiện và có thể phân biệt được giác mạc và võng mạc. Tim phát triển lớn hơn, gai lưng và gai đầu đã có thể nhìn thấy được. Phôi sắp nở: Trước khi nở, phôi chiếm gần như toàn bộ thể tích trứng. Noãn hoàng bị tiêu hao gần như hoàn toàn và chỉ còn lại một ít ở phần khoang đầu ngực. Giáp đầu ngực, các chân hàm và bánh lái đã phân đốt hoàn toàn. Phôi có rất nhiều sắc tố, chủ yếu là sắc tố đen. Màng trứng trở nên trong suốt, do đó các đám tế bào sắc tố có thể dễ dàng nhìn thấy dưới kính hiển vi soi nổi. Ở giai đoạn này, phôi thường di chuyển phần bụng và các phần phụ ở trong màng trứng. Nhịp tim đập từ 120-140 lần/phút. Kích thước trứng trung bình 0,73 ± 0,015 mm.
Hiện trạng
Cua huỳnh đế là đặc sản từ vùng biển Quảng Ngãi đến Bình Định. Loài cua này trước đây dùng để tiếng cống cho các vị vua ở Việt Nam vì tương truyền họ ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe. Cua huỳnh đế có thể chế biến các món như rang me, rang muối, nướng... nhưng ngon nhất và đơn giản trong chế biến vẫn là món hấp ăn với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo. So với các loại hải sản khác, cua Huỳnh đế khẳng định đẳng cấp về chất lượng mà lâu nay được ví ngang với cá tuyết đen, cá hồi đỏ...
Về khai thác ở Việt Nam, khoảng cuối đông đến tháng tư năm sau, khi gió xuân về là lúc ngư dân vào mùa đánh bắt cua huỳnh đế. Giã cào, lưới đánh đằm... là những phương tiện đánh bắt cua thường thấy. Ngư dân miền Trung Việt Nam có thể đánh bắt bằng lưới giã cào, nhưng để có được những chú cua với số lượng nhiều, chắc thịt thì phải dùng một dụng cụ gọi là rập. Rập để bẫy cua huỳnh đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ra khơi thường trang bị từ 200 - 300 cái rập, khi thả mỗi cái cách nhau chừng 5m. Cua rúc vào đó ăn mồi và sập bẫy trong các rập.
Tài liệu tham khảo
- http://en.wikipedia.org/wiki/Ranina_ranina
- http://vi.wikipedia.org/wiki/Cua_Hu%E1%BB%B3nh_%C4%91%E1%BA%BF
- http://gca.ria1.org/News.aspx?ctl=speciesdetail&sID=93&top=7&pr=&pkID=7&LangID=0